Các diễn giả chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: H.Q

Thị trường ít phụ thuộc hơn vào khối ngoại

Phát biểu tại tọa đàm “Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu Covid-19”, do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức ngày 21/10, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (TTCK), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, năm 2020 là một năm đầy biến động đối với TTCK Việt Nam, đặc biệt, VN-Index giảm tới 33% trong quý I/2020. Tuy nhiên, sau đó thị trường phục hồi rất nhanh và tốt hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Tới thời điểm hiện tại, xét về mặt chỉ số thị trường đã ngang bằng so với năm ngoái, gần như đã lấy lại những gì đã mất từ đầu năm với vốn hóa thị trường đạt 71,3% GDP.

Theo bà Bình, sự phát triển của thị trường không chỉ thể hiện ở chỉ số, quy mô mà còn thể hiện ở sự phát triển mạnh mẽ của nhà đầu tư trong nước. Một minh chứng rõ nét, nếu như những năm trước, động thái đầu tư hay diễn biến của dòng vốn ngoại có tác động trực tiếp và mạnh mẽ lên TTCK Việt Nam thì trong năm nay, thị trường đã có điểm khác biệt và ít phụ thuộc hơn vào khối ngoại.

Bà Bình cho biết thêm, quan điểm chung của cơ quan quản lý là tôn trọng sự vận hành của thị trường, hạn chế can thiệp hành chính mang tính chất “thô bạo” vào thị trường. Thực tế, chúng ta đang điều hành thị trường theo hướng phát triển bền vững. Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1/1/2021 và cơ quan quản lý đang xây dựng, hoàn thiện toàn bộ 4 nghị định, 11 thông tư để hoàn thiện cơ sở pháp lý cùng thời điểm có hiểu lực của Luật Chứng khoán.

“Những thay đổi trong văn bản pháp lý không chỉ mang tính chất kỹ thuật mà còn thể hiện rõ quan điểm của cơ quan quản lý về việc phát triển thị trường một cách bền vững, đặc biệt sau khi chúng ta đã rút ra nhiều kinh nghiệm điều hành thị trường trong giai đoạn “sóng gió” vừa qua. Chúng tôi tin rằng với những thay đổi như vậy, TTCK Việt Nam từ năm sau sẽ có những thay đổi đặc biệt về “chất” - bà Bình nói.

Ông Bùi Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, thanh khoản thị trường đã tăng 25,7%, giao dịch trên thị trường phái sinh cũng tăng 90%. Điều đó cho thấy thị trường tăng trưởng rất tốt so với kỳ vọng.

Tuy nhiên, thị trường cũng có một số khó khăn sau Covid-19. Mặc dù tổng tỷ lệ trái phiếu phát hành ra công chúng đạt 98% so với năm ngoái, cổ phiếu cũng đạt ở mức 99% tổng giá trị phát hành song số lượng vốn huy động sụt giảm, thực sự chỉ đạt 61% so với năm ngoái.

Tổng quan nhà đầu tư nước ngoài chỉ rút vốn khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng, không đáng kể so với tổng thị trường, tuy nhiên vốn đầu tư dài hạn bị hạn chế do việc huy động vốn từ việc phát hành trái phiếu quốc tế đã giảm đáng kể do Covid-19. Các nhà đầu tư nước ngoài không thể đến Việt Nam trực tiếp để làm nghiên cứu trước đầu tư, điều này làm lỡ nhiều dịp phát hành cổ phiếu lớn dẫn đến sụt giảm.

So với các nước trong khu vực, chỉ số chứng khoán tại Việt Nam đang khá tích cực, tuy nhiên mức độ rủi ro trên thị trường cao ảnh hưởng đến định giá chứng khoán.

Vẫn còn nhiều cơ hội đầu tư

Nhìn về những điểm sáng của thị trường, ông Hải cho biết, nếu xét theo tỷ lệ tổng giá trị đầu tư nước ngoài trên tổng giá trị vốn hoá của TTCK thì trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ thấp hơn 2 nước Singapore và Thái Lan.

Điểm tích cực nữa là Việt Nam nằm trong danh sách chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi của các tổ chức xếp hạng thị trường FTSE và MSCI.

Còn theo ông Nguyễn Đức Khánh - Giám đốc Chiến lược, Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI), số liệu thống kê về nhà đầu tư cá nhân mở mới từ quý II đến nay đã tăng khá mạnh, nhưng so với quy mô dân số thì vẫn rất khiêm tốn. Khoảng 300.000 tài khoản mở mới trong giai đoạn gần đây vẫn quá thấp.

Với triển vọng kinh tế, lãi suất rất thấp giúp huy động nguồn tiền lớn trong hệ thống ngân hàng khiến các nhà đầu tư tìm sang kênh đầu tư khác như chứng khoán. So với rất nhiều nước trên thế giới, số lượng nhà đầu tư mới đầu tư trên TTCK rất nhiều.

Bên cạnh đó, dư địa tăng trưởng của TTCK Việt Nam còn rất lớn. Mặt bằng chung định giá cổ phiếu còn thấp với P/E (Hệ số giá/lợi nhuận một cổ phiếu) khoảng 16 lần. Dòng tiền luân chuyển khá tốt qua các nhóm cổ phiếu ngân hàng như CTG, VPB, TCB...; nhóm cổ phiếu thép như HPG, HSG hay nhóm chứng khoán, công nghệ...

Thanh khoản năm nay cũng đã tăng mạnh 35 - 40% so với năm 2019 đặc biệt từ tháng 4. Số tiền giải ngân lớn và được quay vòng trong thị trường thì VN-Index có thể sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới. Trong quý IV, một số nhóm ngành được dự báo tăng trưởng tốt đồng thời Ngân hàng Nhà nước đang duy trì lãi suất thấp giúp dòng tiền đổ vào thị trường.

Ông Khánh cho rằng, thị trường sẽ sớm quay lại mốc từ 990 – 1.000 điểm trong cuối năm 2020. Tuy nhiên nhà đầu tư cần lưu ý chọn nhóm ngành cơ bản, kinh doanh tăng trưởng tốt để giảm thiểu rủi ro khi đầu tư../.

Hồng Quyên