Nguyên lý
Khi dòng tiền vào thị trường mạnh, phần lớn các cổ phiếu đều tăng nhưng độ mạnh yếu khác nhau, thời điểm cũng khác nhau, dẫn tới thị trường luôn tăng điểm với KLGD tăng dần. Điều này là do dòng tiền liên tục tìm kiếm các cơ hội mới trong khi vẫn nắm giữ các cơ hội cũ.
Còn khi dòng tiền đã chững lại, các cổ phiếu tăng sớm sẽ được thay thế bởi các cổ phiếu tăng muộn dẫn tới chỉ số không còn tăng mạnh hoặc giảm cùng với KLGD không tăng. Điều này là do dòng tiền lúc này vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội mới nhưng bằng cách bán đi các cơ hội cũ.
Phần lớn các lý thuyết về sự luân chuyển của dòng tiền viết trong sách hoặc trên mạng đều có cách tiếp cận chuẩn mực truyền thống là dựa vào sự nhạy cảm của ngành nghề và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp theo chu kỳ kinh tế. Điều này là hợp lý bởi các lý thuyết này được hình thành tại các thị trường phát triển do nhà đầu tư tổ chức dẫn dắn.
Còn ở thị trường Việt nam, theo quan sát của tôi những lý thuyết đó cần có sự điều chỉnh phù hợp với đặc điểm thị trường do nhà đầu tư cá nhân dẫn dắt. Sự khác biệt cơ bản giữa một thị trường do nhà đầu tư tổ chức dẫn dắt và do nhà đầu tư cá nhân dẫn dắt nằm ở mức độ tác động của các yếu tố kinh tế và yếu tố tâm lý trong việc ra quyết định. Khi yếu tố tâm lý dẫn dắt nhiều hơn, các quyết định chủ yếu dựa trên các thông tin mang tính cảm nhận tốt xấu.
Luân chuyển dòng tiền
Từ lúc thị trường bắt đầu tăng cho đến đỉnh, theo chu kỳ tâm lý, nhà đầu tư sẽ thường bắt đầu bằng những lựa chọn an toàn và có cân nhắc cho đến các lựa chọn rủi ro và ít cân nhắc. Còn theo chu kỳ kinh tế, các lớp cổ phiếu thuộc nhóm nhạy cảm với tăng trưởng, chủ yếu là lãi suất, sẽ được lựa chọn trước cho đến các lớp cổ phiếu ít nhạy cảm và lớp cổ phiếu thuộc nhóm ngành luôn cần bất kể kinh tế kinh tế thế nào.
Sự kết hợp giữa yếu tố tâm lý và kinh tế tại thị trường Việt nam trong giai đoạn bắt đầu của chu kỳ tăng trưởng thường sẽ chứng kiến dòng tiền lựa chọn lớp cổ phiếu có đặc điểm quan trọng truyền thống như danh tiếng quản trị tốt, vốn hóa lớn và nhóm ngành liên quan tới tài chính và bất động sản. Lựa chọn này dựa trên sự đảm bảo an toàn và sự cảm nhận kỳ vọng (tôi nhấn mạnh là cảm nhận chứ không hẳn phân tích) về việc lớp cổ phiếu này sẽ được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp và tăng trưởng kinh tế.
Khi thị trường càng tăng, do hiệu ứng của dòng tiền mạnh, phần lớn các lớp cổ phiếu sẽ bắt đầu chuyển động tăng điểm. Lúc này, cách tiếp cận an toàn sẽ dần thay thế bởi cách tiếp cận rủi ro hơn và việc lựa chọn các lớp cổ phiếu theo ngành nghề không còn rõ ràng nữa. Dòng tiền sẽ tìm đến các cổ phiếu có vốn hóa nhỏ hơn, không có điều tiếng xấu về quản trị, và các cổ phiếu có thông tin tốt. Do cổ phiếu ở lớp số 1 được giữ trong khi cổ phiếu lớp thứ 2 được mua, thị trường sẽ tăng điểm rất mạnh trong giai đoạn này.
Chúng ta sẽ không thể biết điểm số sẽ tăng đến đâu vì không bao giờ đo được dòng tiền vào nhiều như thế nào. Nhưng khi thị trường càng gần tới đỉnh điểm, các cổ phiếu ở lớp số 1 sẽ dần bị bán trong khi các cổ phiếu ở lớp số 2 và 3 vấn sẽ được mua. Thị trường lúc này thường chứng kiến sự tăng điểm diện rộng của lớp cổ phiếu số 3 – những cổ phiếu có điều tiếng hoặc cổ phiếu nhỏ đến rất nhỏ. Sự luân chuyển của dòng tiền lúc này sẽ dấn tới việc thị trường chững lại và giá trị giao dịch không tăng hoặc giảm.
Chính ở lúc này thị trường có sự xáo động tâm lý nhiều nhất. Sự giẳng co giữa lý trí (rời cuộc chơi) và trái tim (tiếp tục cuộc chơi) cũng gần giống sự giằng co tâm lý trong câu hỏi cuối cùng của “Ai là triệu phú?”. Cố thêm một lần nữa có thể thành triệu phú, nhưng cũng có thể sẽ về mức thấp hơn nhiều. Nhưng điều thú vị của thị trường chứng khoán nằm ở chỗ, trong khi trò chơi “Ai là triệu phú” có mức tối đa cố định, thì thị trường chứng khoán lại không có mức này. Trong trò chơi “Ai là triệu phú” người ta cũng thường liều hơn vì xuất phát điểm của họ không có đồng nào.
Trong những lúc như vậy, như là một cách chờ đợi dấu hiệu từ dòng tiền, thị trường thường sẽ một lần nữa quay lại với sự lựa chọn an toàn với hy vọng trái tim sẽ đúng, đồng thời nếu lý trí có sai thì nó cũng an toàn hơn bình thường. Chúng ta sẽ chứng kiến sự trở lại của nhóm cổ phiếu an toàn hơn (lớp số 2 và 1) – sau khi bị bán – nhưng thường thì chỉ là một nhóm và chỉ một phần tiền là quay trở lại. Sự trở lại này đôi khi làm xảy ra bẫy tăng (bull trap) như dân tình vẫn hay nói. Nếu giá trị giao dịch thị trường không tăng, dòng tiền mới không vào nữa, thì dần dần dòng tiền hiện có cũng sẽ rời khỏi thị trường.
Điều quan trọng cần nhận biết là dòng tiền mới bao giờ cũng bao gồm dòng tiền vay do hiệu ứng đầu cơ tối ưu. Bởi vậy, những người làm tại các CTCK và ngân hàng có thông tin về hạn mức margin và điều này thường là quan trọng để cân nhắc triển vọng dòng tiền mới.
Tôi hy vọng bài viết sẽ có ích cho các bạn theo nghĩa cách nhìn của một người nghiên cứu để hiểu thị trường. Hiểu thị trường và hiểu chính mình là quan trọng để ra quyết định đúng. Chúc cuối tuần vui vẻ, tuần mới giao dịch thành công và tôi rất muốn tin thị trường vượt qua chướng ngại vật.

FB Ts. Quách Mạnh Hào