P/E là gì?

P/E (p/e) là từ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Price to Earning Ratio”, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu”.

Đây là một tỷ số tài chính được sử dụng thường xuyên và phổ biến như một công cụ để đánh giá mối liên hệ giữa thị giá hiện tại của một cổ phiếu (hay giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán) với tỷ số thu nhập trên cổ phần.

Bằng cách tính toán và sử dụng chỉ số này, chúng ta có thể biết được nhà đầu tư sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cho một cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại (thời điểm mà cổ phiếu đó được đánh giá).

Công thức tính P/E

Tỷ số P/E được tính bằng cách lấy giá thị trường bình quân của cổ phiếu cần đánh giá, do doanh nghiệp phát hành trong một kỳ nhất định chia cho thu nhập bình quân trên một cổ phần mà doanh nghiệp phải trả cho nhà đầu tư trong kỳ đó.

Công thức tính P/E có mối liên hệ mật thiết với EPS, cụ thể như sau:

P/E = Giá thị trường một cổ phiếu / Thu nhập bình quân trên một cổ phần

(P/E = P / EPS)

Trong đó:

  • P = Price: Giá của cổ phiếu trên thị trường tại thời điểm giao dịch
  • EPS: Lợi nhuận ròng của một cổ phiếu

Nhưng vì:

Thu nhập bình quân trên một cổ phần = Tổng thu nhập trong kỳ / Tổng số cổ phần, nên chúng ta cũng có thể tính được P/E qua một công thức khác, đó là:

P/E = Tổng giá trị thị trường các cổ phiếu / Tổng thu nhập trong kỳ

Ví dụ:

Doanh nghiệp A có cổ phiếu đang được bán trên thị trường với giá 100.000/cổ phiếu. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong 1 năm kinh doanh gần nhất là 5.000.

Dựa vào công thức trên, ta có thể tính ra hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu của cổ phiếu doanh nghiệp A là:

P/E = 100.000/5.000 = 20

Có nghĩa là, nhà đầu tư sẵn sàng chi ra 20 đồng để đổi lấy 1 đồng lợi nhuận từ cổ phiếu đó.

Chú ý

Việc tính toán chỉ số P/E thường chỉ được tính trên cơ sở số liệu của doanh nghiệp trong một kỳ kinh doanh (một năm).

Do lợi nhuận của doanh nghiệp có thể chịu tác động từ nhiều yếu tố khác nhau và dao động không cố định, nên chỉ số P/E cũng sẽ có sự thay đổi tương ứng theo từng năm.

Ý nghĩa chỉ số P/E

Từ công thức tính bên trên, có thể thấy:

  • Nếu chỉ số P/E thấp, nghĩa là:
    • Cổ phiếu của doanh nghiệp đang bị định giá thấp
    • Doanh nghiệp đang gặp vấn đề về tài chính hoặc tình hình kết quả kinh doanh không tốt
    • Doanh nghiệp xuất hiện lợi nhuận đột biến, không thường xuyên (do bán tài sản, tiền lãi từ tiền gửi ngân hàng, hoạt động tài chính khác…)
    • Doanh nghiệp ở vùng đỉnh chu kỳ kinh doanh – cổ phiếu theo chu kỳ
  • Nếu chỉ số P/E cao, nghĩa là:
    • Cổ phiếu của doanh nghiệp đang được định giá cao
    • Triển vọng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai rất tốt
    • Lợi nhuận ít nhưng chỉ mang tính tạm thời
    • Doanh nghiệp ở vùng đáy chu kỳ kinh doanh – cổ phiếu theo chu kỳ

Nếu lợi nhuận của doanh nghiệp là không đổi (bất biến) theo thời gian, thì P/E chính là số năm mà nhà đầu tư có thể thu hồi vốn ban đầu.

Hệ số giá trên thu nhập (P/E) là một trong những chỉ số phân tích rất quan trọng trong và tạo ra ảnh hưởng lớn tới việc quyết định của nhà đầu tư “có nên đầu tư chứng khoán hay không?”. Bởi thu nhập từ cổ phiếu sẽ có ảnh hưởng quyết định trực tiếp đến giá thị trường của cổ phiếu đó.

Qua việc tính toán P/E, sẽ cho thấy giá cổ phiếu tại thời điểm hiện tại cao hơn bao nhiêu lần so với thu nhập từ cổ phiếu đó. Hay nói cách khác, nhà đầu tư sẽ phải trả giá bao nhiêu cho một đồng thu nhập từ cổ phiếu?

Chỉ số P/E được tính riêng cho từng cổ phiếu và đồng thời được tính trung bình cho tất cả các cổ phiếu. Nó cũng được công bố một cách công khai và minh bạch trên báo chí và các phương tiện truyền thông khác.

Đặc điểm chỉ số P/E

Do chỉ số P/E biến động tùy thuộc vào lợi nhuận của doanh nghiệp, nên khi sử dụng nó để đánh giá, các nhà đầu tư không nên chỉ dựa vào số liệu của một năm mà cần phải tính toán và so sánh giữa nhiều năm với nhau. Đồng thời, để kết quả đánh giá là chính xác và khách quan nhất, cũng nên chọn các doanh nghiệp có sự tương đồng về quy mô, về ngành nghề kinh doanh và cùng trong một thời điểm lấy số liệu.

Thông thường, nếu sau khi tính toán, chỉ số P/E cao ⇒ Thể hiện sự kỳ vọng của nhà đầu tư về việc tăng trưởng thu nhập từ cổ phiếu đó sẽ cao hơn trong tương lai và ngược lại.

Các nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng luôn sẵn sàng trả một mức giá tốt cho những doanh nghiệp hàng đầu (đây cũng là lý do vì sao mà các doanh nghiệp này luôn có chỉ số P/E rất cao).

Chỉ số P/E thấp được coi trọng hơn nếu các yếu tố về tốc độ tăng trưởng, lợi thế cạnh tranh, lạm phát, độ rủi ro… của các doanh nghiệp được so sánh là như nhau.

P/E là công cụ giúp nhà đầu tư định giá cổ phiếu, nhưng nó không phải công cụ duy nhất và có sự chính xác tuyệt đối để có thể tin tưởng hoàn toàn. Bởi nếu EPS (có thể) âm ⇒ P/E còn mang ý nghĩa về kinh tế. Chính vì thế, lời khuyên là chúng ta phải, nên sử dụng thêm các công cụ định giá khác.

Một chỉ số P/E chỉ chính xác và có ý nghĩa khi nó được lấy và tính toán trong nhiều kỳ kinh doanh (nhiều năm), thường thì khoảng từ 3-5 năm là hợp lý.

Chỉ số P/E bao nhiêu thì tốt 

Việc dựa vào P/E để đánh giá cổ phiếu hay khẳng định chỉ số này bao nhiêu là tốt nhất thực sự không dễ dàng, bởi nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan, khách quan khác của doanh nghiệp, như:

  • Doanh nghiệp có thuộc dạng phát triển nhanh hay không? Ví dụ, nếu chỉ tăng trưởng 5-7% mà P/E vẫn cao ⇒ Có nghĩa là giá cổ phiếu quá cao)
  • Chỉ số P/E thực tế của ngành là bao nhiêu? Phải so sánh mọi chỉ số trong cùng một cung tham chiếu. Hiểu đơn giản, việc so sánh P/E của một doanh nghiệp giải khát với P/E của công ty may mặc là điều vô nghĩa
  • Mức độ lạm phát, lãi suất trái phiếu như thế nào? Bởi chỉ số P/E sẽ tỷ lệ nghịch với 2 yếu tố này
  • Yếu tố rủi ro của doanh nghiệp đang ở mức nào? (các rủi ro về tài chính hay các rủi ro về kinh doanh)
  • Doanh nghiệp đang được đánh giá có phải là doanh nghiệp kinh doanh theo chu kỳ hay không?

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì vẫn có một mức trung bình của chỉ số P/E này được coi là tốt nhất, đó là nằm trong khoảng từ 5 – 12. Nếu nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu của một doanh nghiệp có chỉ số P/E > 12 thì phải đảm bảo:

  • Chắc chắn đó là một công ty hoạt động uy tín, ổn định và có tỷ lệ, tốc độ tăng tưởng tốt
  • Bạn đã sử dụng thêm nhiều phương pháp khác nhau để đánh giá

Thực tế cho thấy, chỉ số P/E cao thường ẩn chứa nhiều rủi ro hơn P/E thấp. Bởi nếu P/E cao cũng có nghĩa là nó gắn liền với những doanh nghiệp tăng trưởng mạnh, còn P/E thấp lại là đặc tính thường thấy của các cổ phiếu giá trị.

Từ đó mới hình thành một biên độ chỉ số P/E cho từng loại công ty, từng lĩnh vực và từng môi trường của thị trường. Theo xu hướng trên thị trường chứng khoán các nước trên thế giới thì lĩnh vực sau đây thường chấp nhận các chỉ số P/E cao (không kể các tập đoàn hùng mạnh): 

Ngân hàng, tài chính chứng khoán, công nghệ tin học, viễn thông, công nghệ sinh học, các ngành sản xuất công nghiệp kĩ thuật cao.

Hiện nay, các chuyên viên tài chính Việt Nam nhận định P/E tại thị trường Việt Nam từ 8 - 15 lần, điều đó có nghĩa lĩnh vực tài chính ngân hàng hoặc các công ty có uy tín thì P/E tại thị trường Việt Nam từ 10 - 15 lần và những lĩnh vực khác có thể dưới 10.

Các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số P/E

Một số yếu tố ảnh hưởng đến P/E là tốc độ tăng trưởng, lợi thế cạnh tranh, độ an toàn hay rủi ro về mặt tài chính, ngành kinh doanh, điều kiện vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tốc độ tăng trưởng GDP của quốc gia.

Nói tóm lại, để có thể đánh giá một cách tương đối chính xác về cổ phiếu của một doanh nghiệp, các nhà đầu tư có thể sử dụng “Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu – P/E”. Tuy nhiên, cũng nên chú ý về điều kiện so sánh cũng như tính chu kỳ của doanh nghiệp đó.

Hưng Nguyên