Trong báo cáo bán niên gửi tới Quốc hội Mỹ về thao túng tiền tệ và cũng là báo cáo đầu tiên dưới thời chính quyền Joe Biden, Bộ Tài chính Mỹ cho biết chưa có quốc gia nào vi phạm các tiêu chí của Mỹ để bị gắn nhãn thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, Việt Nam, Thụy Sỹ và Đài Loan sẽ được liệt vào danh sách tăng cường theo dõi.

Cả 3 trường hợp trên đều đã vi phạm 3 tiêu chí theo luật Mỹ năm 2015 trong việc đánh giá một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không. Tuy nhiên, trích từ một bộ luật khác của Mỹ, Bộ Tài chính kết luận “chưa đủ bằng chứng” để gắn nhãn thao túng tiền tệ cho Việt Nam, Thụy Sỹ và Đài Loan.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng không gắn nhãn thao túng tiền tệ cho Trung Quốc – một điều mà chính quyền Trump đã thực hiện trong năm 2019 giữa lúc xung đột căng thẳng với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thay vào đó, Trung Quốc được thêm vào danh sách 11 quốc gia đang theo dõi ở cấp độ thấp hơn so với Việt Nam, Thụy Sỹ và Đài Loan.

Cũng nằm trong danh sách với Trung Quốc là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ireland, Italy, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Mexico. Chỉ Ireland và Mexico được thêm mới vào danh sách trong ngày 16/04.

Các quốc gia bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ nhìn chung thường có dính dáng tới việc bán đồng nội tệ và mua đồng USD như một cách để giảm giá đồng nội tệ, đồng thời tăng giá của đồng USD. Đồng tiền yếu hơn có thể giúp hàng xuất khẩu của quốc gia đó trở nên rẻ hơn ở thị trường nước ngoài, đồng thời khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn.

Trong lịch sử của các báo cáo tiền tệ gửi Mỹ từ năm 1988, Bộ Tài chính Mỹ chỉ gắn nhãn thao túng tiền tệ cho 3 quốc gia. Chính quyền Trump đã gắn nhãn thao túng tiền tệ cho Trung Quốc vào năm 2019 trong bối cảnh hai bên xung đột về thuế quan. Mỹ cũng đã gắn nhãn cho Trung Quốc trong giai đoạn 1992-1994. Bên cạnh đó, Nhật Bản và Đài Loan cũng rơi bị gắn nhãn trong những năm 1980.

Việc bị gắn nhãn thao túng tiền tệ có thể dẫn tới việc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế nếu sau giai đoạn đàm phán, hai bên không thể giải quyết những vấn đề mà Mỹ phản đối.

Một số chuyên viên phân tích ủng hộ quyết định của chính quyền Biden trong việc loại Việt Nam và Thụy Sỹ ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ.

Eswar Prasad, Giáo sư kinh tế tại Đại học Cornell, cho biết chính quyền mới đã quyết định không dùng báo cáo tiền tệ như một công cụ chính trị để gây áp lực lên các đồng minh.

“Quyết định này sẽ lấy lại một phần uy tín cho báo cáo tiền tệ Mỹ. Nhờ đó, báo cáo này sẽ phục vụ mục đích hữu ích khi thật sự cần thiết. Báo cáo sẽ dùng để nhấn mạnh các hành vi quản lý tiền tệ không công bằng của các quốc gia khác trong tương lai”, ông Prasad cho biết.

Vũ Hạo (Theo ABC News, Reuters) (https://vietstock.vn)