Duy trì vị thế trung hạn

CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index diễn biến giằng co trong phiên 22/02 và hình thành một mẫu nến spinning nhỏ.

Theo KBSV, mặc dù xu hướng tăng chủ đạo đang được bảo lưu nhưng chỉ số vẫn đang chịu lực cản của vùng kháng cự gần quanh 1,180 điểm với rủi ro điều chỉnh ngắn hạn có phần gia tăng.

KBSV khuyên nhà đầu tư tiếp tục duy trì vị thế trung hạn và có thể kết hợp trading một phần, đồng thời tiếp tục cân bằng lại vị thế ngắn hạn khi chỉ số tiếp cận vùng cản gần.

Cần thời gian trước khi chinh phúc mốc 1,200

CTCK Asean (Aseansc): Phiên 22/02, mặc dù có lúc tăng hơn 9 điểm, tuy nhiên áp lực chốt lời tăng mạnh đã khiến chỉ số VN-Index thu hẹp đáng kể đà tăng, đóng cửa chỉ còn tăng gần 2 điểm. Kết thúc phiên, VN-Index tăng 1.54 điểm (tăng 0.13%), đóng cửa ở mức 1,175.04 điểm. Thanh khoản HOSE ở mức hơn 630 triệu cổ phiếu (tăng 9%), giá trị hơn 15,300 tỷ đồng (tăng 4%). Độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá (199 mã tăng/231 mã giảm). Về phía nhà đầu tư nước ngoài, họ bán ròng hơn 613 tỷ đồng trên HOSE, tập trung chủ yếu vào HPG và VNM.

Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến xanh nhỏ dạng “Doji” tại vùng kháng cự 1,180-1,190 điểm, là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy đà tăng đang tạm thời chững lại. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,160-1,170 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1,140-1,150 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1,180-1,190 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1,200-1,210 điểm.

Aseansc cho rằng khả năng VN-Index sẽ cần một vài phiên giao dịch củng cố để hấp thụ lượng hàng bắt đáy về tài khoản chốt lãi ngắn hạn, trước khi có thể chinh phục lại đỉnh cũ xung quanh 1,200 điểm. Tỷ trọng danh mục đề nghị theo công thức Kelly: 30% tiền mặt/70% cổ phiếu.

Thừa Vân (FILI)