Ảnh Internet

Lực mua đuổi gia tăng

Đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ ba theo nhiều nhà đầu tư bám sàn lại là tin tốt với logic “giãn cách xã hội chả biết làm gì, dân tình lại chơi chứng khoán”. Dòng tiền chờ gần như vẫn nằm nguyên vẹn trong thị trường nên mỗi khi có hiện tượng rũ hàng là lập tức xuất hiện lực cầu gom mạnh.

Khối lượng giao dịch tăng so với những phiên trước Tết cho thấy lực mua đuổi đã gia tăng và củng cố cho xu hướng tăng trở lại của VN-Index. Chỉ số cũng đã phá vỡ vùng kháng cự 1.127 điểm, phát đi tín hiệu cho thấy xu hướng tăng đang mạnh lên.

Khảo sát của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, nhà đầu tư tổ chức và cá nhân vẫn đặt mối quan tâm lớn tới kênh đầu tư chứng khoán trong năm 2021.

Một tổ chức đầu tư trên thị trường cho biết, trước Tết, họ đã chốt lời nhiều cổ phiếu trong danh mục và hiện số dư tiền ước khoảng 600 tỷ đồng. Họ đã lên danh mục các cổ phiếu dự kiến mua vào và chờ thị trường có nhịp điều chỉnh để chớp cơ hội thật nhanh.

“Tôi cho rằng, thị trường sẽ sớm đến điểm mua hợp lý hơn, không có gì phải sốt ruột để mua đuổi ở thời điểm này”, lãnh đạo tổ chức đầu tư này chia sẻ với người viết hôm 18/2.

Tiền rẻ và mức độ tham gia thị trường dễ dàng hơn các kênh đầu tư khác vẫn là yếu tố hấp dẫn của thị trường chứng khoán. Không chỉ kênh tiết kiệm đã duy trì lãi suất thấp nhất, chỉ còn chưa đầy 6%/năm, kênh trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận mức lãi suất giảm mạnh, hiện chỉ còn 7 - 7,5%/năm.

Trưởng phòng nguồn vốn một công ty chứng khoán lớn cho biết, hiện công ty đã hủy sản phẩm trái phiếu linh hoạt và dự kiến tiếp tục giảm lãi suất trái phiếu xuống thêm 0,5%/năm vào tuần cuối tháng 2.

Như vậy, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 1 tháng ở công ty này chỉ chưa đầy 7%/năm. Với những diễn biến như trên, tiền được nhận định vẫn nằm nguyên trong thị trường chứng khoán, chờ đợi và tìm kiếm các cơ hội đầu tư hấp dẫn trong năm 2021.

Vấn đề quan trọng với các nhà đầu tư là lọc cổ phiếu để đầu tư. Bởi vậy, những bài báo có sự xuất hiện của lãnh đạo cấp cao nhất của doanh nghiệp nói về các kế hoạch năm 2021, những dự án ra mắt sớm, tiến bộ bán hàng, giá trị hợp đồng… được giới đầu tư đón đọc và chia sẻ trên các diễn đàn rất tích cực.

Chẳng hạn, với Công ty cổ phần Đạt Phương, kết quả kinh doanh và các chỉ số tài chính của Công ty đều rất tốt, năm 2021, doanh nghiệp đặt kế hoạch tăng trưởng 27% về doanh thu và lợi nhuận hợp nhất so với năm 2020, nhưng giá cổ phiếu chưa tăng tương xứng. Nhiều chuyên viên phân tích của các công ty chứng khoán cho rằng, sớm hay muộn, những doanh nghiệp như vậy sẽ được dòng tiền chú ý.

Thị giá cổ phiếu nhiều doanh nghiệp tăng trưởng hai con số như FPT vẫn tăng tốt và đã liên tục vượt dự phóng của các công ty chứng khoán đưa ra trong thời gian gần đây.

Trong khi nhu cầu trên thị trường là rất lớn thì nửa đầu năm nay, hàng hóa mới tung ra thị trường thứ cấp được phân tích là không nhiều. Trước hết là hàng thuộc diện thoái vốn, cổ phần hóa.

Mặc dù vào đầu năm, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn trong giai đoạn 2020, song các bên bán vốn nhà nước đều đang chờ Thông tư hướng dẫn Nghị định 140/2020.

Ngay cả khi Thông tư được ban hành cũng phải 60 ngày sau mới có hiệu lực. Bởi vậy, trong nửa đầu năm 2021, hầu như rất khó có đợt thoái vốn nhà nước nào được triển khai. Một lãnh đạo của SCIC cho biết, vì Nghị định 140/2020 không có điều kiện chuyển tiếp nên hiện nay cả HOSE và HNX đều từ chối bán đấu giá cổ phần thoái vốn nhà nước.

Bởi thế, ngay các doanh nghiệp đã hoàn tất hồ sơ bán vốn, có định giá cũng không thể tiến hành bán vốn ra thị trường.

Tác giả Hương Lan