Khi nào gấu thắng thế?

Khi một thị trường tăng điểm, do sự luân chuyển 3 lớp cổ phiếu trong quá trình đi lên, thị trường thông thường sẽ tạo ra 2 điểm nghỉ chân mà chúng ta hay gọi là điều chỉnh. Chính vì lý do này mà trong phân tích kỹ thuật chúng ta có cái gọi là 5 bước sóng tăng Elliot. Nếu chúng ta quan sát thấy các lớp cổ phiếu thực sự đã thay đổi mà thị trường gần như không có sự điều chỉnh nào, hoặc rất nhẹ, cần phải hiểu rằng bên mua (phía bò) đã thể hiện hết mọi sức mạnh của họ một cách không ngừng nghỉ. Nói cách khác họ đã tấn công liên tục và sử dụng hết mọi nguồn lực mà họ có cho đến khi nó không thể.

Nguồn lực mà phía bò có chính là thông tin và tiền. Tiền bao giờ cũng bao gồm tiền mới và tiền vay (margin). Những người nắm giữ cổ phiếu và “mong” thị trường lên không bao giò là bò cả - họ thực ra đang là những con gấu chờ ra đòn. Khi các thông tin không còn mới, hoặc bị lặp đi lặp lại, nó thực chất không còn là vũ khí nữa. Khi tiền hết, khối lượng giao dịch không thể tăng, bởi vì đặc trưng của một giai đoạn tăng giá luôn là giá tăng cùng với giá trị giao dịch tăng nhẹ dần lên. Việc sử dụng tiền vay làm cho giá tăng nhanh và mạnh bởi vậy nếu giá bỗng nhiên chững lại một thời gian, nó thường là dấu hiệu rằng khả năng vay đã hết. Điều này cần đặc biệt chú ý khi các thông tin về việc nới hay cấp thêm margin cho khách hàng được thông báo. Nó thường là dấu hiệu của việc hạn mức đã đến giới hạn và rất dễ dàng tạo ra bẫy tăng (bulltrap) cho những người mới.

Tại những vùng giá cao như vậy với những đặc điểm trên, chúng ta ban đầu thường sẽ chứng kiến giá dao động lên xuống, giá trị giao dịch vẫn ở mức cao nhưng không tăng dần thêm. Hai phía bò và gấu khá cân băng. Vùng giá cao không nhất thiết phải là một ngưỡng kháng cự, nhưng nếu là ngưỡng kháng cự thì tâm lý càng mạnh. Dần dần, do phía bò đã cạn kiệt nguồn lực, phía gấu sẽ dần chiếm ưu thế do sức ép chốt lời và sức ép giảm margin. Đáng chú ý là sức ép margin lại thường tập trung vào các mã vốn hóa lớn, tạo ra sức ép giảm chỉ số, càng làm cho tâm lý thị trường trở nên tiêu cực hơn. Bởi vậy, bao giờ cũng tồn tại ít nhất một phiên chạy toán loạn làm mọi người ngơ ngác.

Nhưng cuộc chiến tâm lý không kết thúc đơn giản như vậy. Cả hai phía đều có xu hướng chờ đợi nhưng kết cục chủ yếu phụ thuộc vào nguồn lực của phía bò đến đâu. Còn nguồn lực của phía gấu là lượng cố phiếu đang lãi “trên giấy” đủ để họ có thể chạy bất kỳ lúc nào. Khi các thông tin vĩ mô không có gì mới hơn là những gì đã biết, hai câu hỏi quan trọng mà phía bò muốn có câu trả lời tích cực sẽ là “Dòng tiền bán ra do chốt lời có quay lại ngay với thị trường không hay nghỉ ngơi? Dòng tiền margin có quay trở lại không?” còn đường nhiên phía gấu sẽ có câu trả lời tiêu cực. Nếu giá trị giao dịch cứ giảm dần, mỗi bên có thể thắng một vài trận đánh, nhưng cuộc chiến cuối cùng thường sẽ nghiêng về bên gấu.

Vậy, khi nào thì gấu sẽ thua?

Không nên lấy điểm số làm mốc mặc dù như đã nói ở trên, giống như các ngưỡng kháng cự, các mức hỗ trợ có thể có sức mạnh tâm lý khi thị trường giảm. Điều thị trường cần bao giờ cũng là tâm lý và nguồn lực. Cả hai điều này đều cần thời gian và bởi vậy thời gian quan trọng hơn điểm số. Nếu tâm lý cân bằng (theo cách nói của tôi là dùng lý trí để suy xét chứ không phải tham lam hay sợ hãi – xem Bài 1) thì điểm số chỉ là hệ quả.

Chúng ta lặp lại cách phân tích tâm lý và hành vi của quá trình nêu trên sẽ có câu trả lời cho việc khi nào bò sẽ lại thắng thế. Tôi muốn để cái này cho các bạn tự suy nghĩ và tìm câu trả lời có lẽ sẽ tốt hơn nếu bạn có suy nghĩ giống tôi ở những phân tích bên trên. Quá trình thị trường đi xuống bao giờ cũng bắt đầu từ từ, giống như lúc nó đi lên trong nghi ngờ. Quá trình đi xuống bao giờ cũng gắn liền với khối lượng giao dịch giảm dần do phía gấu bán ra mà phía bò chống chọi yếu hơn, không hẳn là vì họ không có tiền, mà còn bởi vì họ chưa thấy hấp dẫn. Phía gấu sẽ cạn kiện nguồn lực khi khoảng lãi “trên giấy” bé dần, hoặc những người lỗ quyết định rời cuộc chơi (cũng giống như những người chốt lãi rời cuộc chơi vậy). Cho đến khi khối lượng giao dịch thấp và dường như không giảm nữa, thậm chí tăng lên nhẹ, thì đó rất có thể là lúc phía bò dần dần chiếm ưu thế trở lại.

Điều cuối cùng của bài viết mà tôi muốn chia sẻ là tất cả các thị trường chứng khoán trên thế giới trong dài hạn đều đi lên. Tâm lý con người ai cũng muốn kiếm lãi nhanh, giá trị thời gian của tiền, nhưng cũng sẽ có rất nhiều người chuyển sang đầu tư dài hạn và bỏ đấy và đó cũng là lý do làm thị trường khi xuống thường chậm rãi chứ không hối hả như khi thị trường đi lên. Nhưng nếu bạn sử dụng tiền vay thì câu nói của John M Keynes – một nhà kinh tế mà chắc bạn nào học kinh tế đều biết – nên luôn là bài học nằm lòng mà tôi tạm dịch nôm na là: “Thị trường có thể vô lý lâu hơn bạn có thể chịu đựng được khoản vay”.

Tôi chủ động bỏ phần cuối là “vận dụng để vào – ra” để tránh những hiểu lầm không đáng có về mục tiêu “làm giàu kiến thức”.

FB Ts Quách Mạnh Hào