Sau thời kỳ phát triển nhanh đầu thập kỷ 1990, Việt Nam đã 2 lần gặp phải các giai đoạn khó khăn kinh tế 1997 và 2007, lần sau thời gian hồi phục dài hơn và mức độ tăng trưởng lại thấp hơn trước, để khắc phục tình trạng này và nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế lên, Đại hội Đảng lần thứ XI năm 2011 đã đề ra nhiệm vụ “đổi mới mô hình tăng trưởng”. Các nền kinh tế châu Á trước đây vượt khỏi thu nhập trung bình phải nâng tốc độ tăng trưởng GDP lên 8,2 - 10,5%/năm trong 5 - 9 năm liên tục. Việt Nam trong tương lai, nếu vẫn giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế 6%/năm như thời gian gần đây thì sẽ không đạt cả 2 mục tiêu Đại hội XIII đề ra (đưa đất nước lên mức thu nhập trung bình cao năm 2030 và mức thu nhập cao đến năm 2045); tăng 7%/năm sẽ đạt một nửa mục tiêu và nếu tăng 8%/năm sẽ về sớm hơn cả 2 mục tiêu.

Để sánh vai với năm châu, kinh tế Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng rất cao trong một giai đoạn dài. Theo tính toán mô phỏng, tăng trưởng GDP/người từ 7% trở lên thì có thể đuổi kịp Thái Lan hay Malaysia trong thời gian tới. Muốn bắt kịp Trung Quốc, Việt Nam phải tăng trưởng 10,48%, và muốn sánh ngang với Hàn Quốc thì phải đạt 11,08% trong 30 năm tới. Điều thần kỳ tương tự đã từng xảy ra: Hàn Quốc tăng tốc 9,3%/năm liên tục 38 năm (1960 - 1997); Trung Quốc đã tăng trưởng 9,8%/năm suốt 37 năm (1978 - 2014), Israel đã tăng trưởng trên 10%/năm, 22 năm liên tiếp (1950 - 1972). Vấn đề là biến được khát vọng thành quyết tâm đổi mới mô hình kinh tế.

CẢN TRỞ CỦA MÔ HÌNH CŨ

Tính chất của mô hình kinh tế cũ được Hội nghị Trung ương 4 năm 2016 chỉ ra là: năng suất lao động và năng suất nhân tố tổng hợp thấp, thể chế kinh tế chậm cải thiện, môi trường đầu tư, kinh doanh trở ngại, kết cấu hạ tầng khó khăn, chất lượng nhân lực thấp nên tốc độ tăng trưởng chậm lại, chất lượng thấp, kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, bội chi ngân sách lớn, nợ công tăng, nợ chính phủ vượt trần; cơ cấu lại đầu tư chưa gắn với cơ cấu lại tài chính ngân sách, cơ cấu lại tổ chức tín dụng khó khăn; đổi mới doanh nghiệp nhà nước chậm, quản trị yếu kém; cơ cấu lại nông nghiệp chưa gắn với xây dựng nông thôn mới; kinh tế hộ nhỏ lẻ, liên kết kém; doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ít. Cơ cấu lại công nghiệp dịch vụ chưa hiệu quả; điều phối phát triển vùng thiếu liên kết; chưa phát huy lợi thế; vùng kinh tế trọng điểm chưa đầu tư đúng mức, chưa phát huy vai trò.

Mười năm trôi qua, Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) đánh giá vẫn: “chưa tạo được chuyển biến căn bản về mô hình tăng trưởng”. Quy mô kinh tế vẫn nhỏ: giai đoạn 2016-2018, doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm 93,5%, 7,7% doanh nghiệp trong nước hòa vốn, 48,6% lỗ, chỉ đóng góp được 10% GDP. Kinh tế hộ, góp hơn 30% GDP, lại càng nhỏ lẻ, manh mún, yếu ớt, khó khởi nghiệp thành doanh nghiệp và chậm gắn kết trong hợp tác xã. Doanh nghiệp trong nước, trước kia bị doanh nghiệp nhà nước đè thì nay đang bị doanh nghiệp nước ngoài lấn.

Các nguồn lực tài nguyên cổ truyền (rừng tự nhiên, hải sản, khoáng sản, nước ngầm…) đã khai thác đến giới hạn. Trong mô hình phân tích tăng trưởng, yếu tố đất không thể hiện vai trò, lao động đóng góp còn 6,4%, năng suất yếu tố tổng hợp chiếm hơn 40% nhưng trong đó phần đóng góp thực sự của khoa học và công nghệ chỉ gần 1/3. Chỉ còn vốn là nguồn lực chính đóng góp 55% cho tăng trưởng, nhưng tỷ lệ tiết kiệm trong GDP của Việt Nam năm 2018 chỉ có 22,6%, dưới mức trung bình khu vực và thế giới. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư ICOR (6,14 giai đoạn 2016-2019) vẫn cao so với các nước đang phát triển (khoảng 3,0 - Ngân hàng Thế giới).

Quỹ thời gian đang bị lãng phí: phát triển kinh tế tư nhân chậm so với mở cửa hội nhập nên doanh nghiệp non trẻ phải chịu sức ép cam kết cao và chịu cạnh tranh lớn của doanh nghiệp nước ngoài; kinh tế hộ nhỏ lẻ, chậm phát triển, thiếu gắn kết với hợp tác xã nên không có điều kiện khởi nghiệp; dân số chuyển sang già khi chưa kịp giàu, có tích lũy, tạo nguy cơ vỡ quỹ phúc lợi; tỷ lệ toàn dụng lao động chậm, tỷ lệ lao động phi chính thức lớn, đào tạo nhân lực kém, nên lao động không kịp chuyển thành nhân lực trí tuệ trước khi tự động hóa thay thế lao động thủ công; phát triển chuỗi giá trị chậm trong quá trình toàn cầu hóa sâu rộng, đặt các địa phương công nghiệp hóa vào bẫy “công nghiệp gia công” chịu tác động xã hội, môi trường mà thu ít và không lâu bền.

Mô hình kinh tế cũ đã huy động tài nguyên đạt tới giới hạn hiệu quả, tăng trưởng kinh tế chậm dần, sức đề kháng với các chu kỳ khủng hoảng yếu dần trong khi Việt Nam lại chưa kịp chuẩn bị đủ tài nguyên con người, tích lũy đủ tri thức để có thể phát triển kinh tế tri thức - đổi mới sáng tạo. Muốn tranh thủ được thành tựu cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hay sức mạnh của một nhà nước sáng tạo, cần thêm hàng chục năm phát triển nhanh nữa mới đủ sức hình thành “hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia”. Một mô hình tăng trưởng mới dựa trên sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên cũ là yếu tố quyết định cho nền kinh tế Việt Nam vượt lên sau khủng hoảng kinh tế của đại dịch Covid- 19.

NỘI DUNG CỦA MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG MỚI 

Thứ nhất, mô hình 2 vùng trọng điểm kinh tế là đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ dựa vào 2 thành phố chính là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang thu hút phần lớn đầu tư, đóng góp chính cho ngân sách và tăng trưởng kinh tế; đồng thời gây quá tải, thiếu gắn kết, lan tỏa, mất cân bằng với các địa bàn và vùng nông thôn. Cần thay thế nó bằng phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ, phát triển đô thị vệ tinh, đưa cư dân và hoạt động kinh tế ra khỏi trung tâm lõi để giảm tải cho 2 thành phố chính, tạo điều kiện cho 2 đô thị lớn tập trung vào các chức năng quan trọng nhất. Phân cấp vai trò sản xuất, dịch vụ, trung tâm công nghệ, nhân lực và hậu cần cho 6-7 thành phố trung tâm cho các vùng kinh tế xã hội chính. Gắn phát triển nông thôn với đô thị hóa.

Thứ hai, hiện nay mô hình cơ cấu kinh tế ngành dập khuôn, đơn điệu, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch và các ngành dịch vụ phục vụ đời sống đang làm cho các tỉnh và các vùng cạnh tranh ngang với nhau. Phải thay thế cơ cấu này bằng cách phát huy lợi thế từng địa bàn, theo điều kiện đa dạng hình thành các vùng kinh tế để bố trí các ngành hàng sản xuất đa dạng với sức cạnh tranh riêng. Miền núi phía Bắc tập trung phát triển rừng, thủy điện, bảo vệ biên giới môi trường; Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Nam Trung Bộ ưu tiên phát triển dịch vụ đa dạng; Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên hướng vào nông nghiệp tổng hợp; Trung du phía Bắc, Đông Nam Bộ phát triển công nghiệp có giá trị cao; Duyên hải Nam Trung Bộ phát triển kinh tế biển tổng hợp. Mỗi vùng lấy ngành lợi thế nhất làm trục, các ngành khác phối hợp, liên kết cả vùng cùng phát triển.

Thứ ba, xem lại cách ưu tiên một vài thành phần kinh tế là chủ lực hiện nay chuyển sang chính sách để doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài mở đường, kết nối để lấy doanh nghiệp trong nước làm lực lượng kinh tế đóng vai trò chủ đạo. Tạo đột phá, đưa kinh tế hộ (nhất là nông dân) vào đội hình kinh tế hợp tác, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Kinh tế hợp tác mở đường, dẫn dắt kinh tế hộ phát triển thành kinh tế doanh nghiệp và rút lực lượng lao động ra phi nông nghiệp. Hình thành các hệ sinh thái sản xuất kinh doanh: tập đoàn kinh tế mạnh dẫn dắt doanh nghiệp địa phương - doanh nghiệp vừa và nhỏ - siêu nhỏ; cơ quan khoa học công nghệ - doanh nghiệp; hợp tác xã - doanh nghiệp…

Thứ tư, tháo gỡ nốt các điểm nghẽn đã tồn tại lâu dài, tạo ra các điều kiện cơ bản để cơ chế thị trường vận hành trong hoạt động phân bổ, sử dụng nguồn lực hiệu quả như: đảm bảo tính chính danh về quyền sở hữu, sử dụng (đất, lao động, trí tuệ…); các loại chứng nhận pháp lý giấy, số (giá trị, tài sản, tiêu chuẩn…) phải sẵn có;  hình thành thị trường chính thức (sàn giao dịch, giá cạnh tranh, giao dịch giản tiện…). Ngoài ra, cần phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông và thông tin, đảm bảo nguyên tắc phát triển bao trùm (liên kết mọi vùng miền, cho mọi đối tượng hưởng lợi).

TẠO NỀN TẢNG, CƠ HỘI THỰC HIỆN KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN 

Tất cả những đổi mới nêu trên phải được chủ động điều hành, dẫn dắt bởi một thiết chế “nhà nước kiến tạo phát triển”. Đó là Nhà nước lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm đầu, xác định các mục tiêu phát triển kèm theo các cơ chế động viên, định hướng nguồn lực nhắm vào trọng tâm trước mắt là phát triển kinh tế. Có cơ chế lựa chọn, đề bạt cán bộ có đạo đức, năng lực theo kết quả công việc làm. Có chế độ đãi ngộ, lương, thưởng đảm bảo sự liêm chính, tinh thần trách nhiệm và sáng tạo. Hình thành cơ chế tham vấn chính thức và thường xuyên ở cả Trung ương và địa phương với đại diện các thành phần kinh tế và đội ngũ chuyên gia có tri thức và công tâm trong hoạch định chiến lược, chính sách. Hình thành cơ chế giám sát, đánh giá đóng góp của cán bộ, hiệu quả của công tác sử dụng tài nguyên, thi hành và kết quả thực hiện kế hoạch khách quan và khoa học.

Phát triển tài nguyên con người, đổi mới các tổ chức xã hội để bảo vệ, phục vụ quyền lợi của người lao động, đảm bảo công bằng xã hội, tạo cơ hội và điều kiện để người lao động, nhân dân là chủ thể của quá trình phát triển trong công tác tham gia xây dựng chiến lược, chính sách, ra quyết định, giám sát, đánh giá thực hiện.

Đổi mới hoạt động đào tạo, hướng vào phát triển kỹ năng nghề để phát triển kinh tế dịch vụ, toàn dụng lực lượng lao động có năng suất cao và thu nhập thỏa đáng trước khi dân số già hóa. Chuyển nhanh lao động phi chính thức thành chính thức.

Mở rộng cơ hội phát triển để người dân có cơ hội tích lũy kiến thức, tài sản, làm chủ quá trình chuyển đổi sinh kế từ sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, chuyển địa bàn cư trú từ nông thôn sang đô thị. Đây là cách thức hiệu quả nhất để khai thác mọi nguồn nội lực của đất nước thực hiện khát vọng hùng cường cho dân tộc Việt Nam.

TS. Đặng Kim Sơn