Giá vàng trong nước

Chốt phiên giao dịch chiều ngày 30/1, giá vàng trong nước bất ngờ giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng tại các hệ thống kinh doanh.

Cụ thể, cửa hàng vàng bạc đá quý (VBĐQ) Sài Gòn chi nhánh Hà Nội và TP HCM cùng doanh nghiệp Phú Quý điều chỉnh giá vàng SJC giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua bán.

Tại hệ thống Doji, ghi nhận giá vàng ở hướng mua vào không biến động nhưng giảm 50.000 đồng/lượng ở hướng bán ra.

Trong khi đó, hệ thống PNJ niêm yết giá mua bán vàng miếng SJC không đổi so với phiên chiều qua thứ Sáu (29/1).

Hiện tại, giá trần mua vào của vàng SJC đạt mốc 56,38 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra có ngưỡng 56,73 triệu đồng/lượng.

Các loại vàng nữ trang khác tiếp đà giảm theo xu hướng thị trường. Theo đó, giá vàng 24K giảm 50.000 đồng/lượng, vàng tây 18K giảm 40.000 đồng/lượng và vàng 14K giảm 30.000 đồng/lượng ở cả hai hướng mua bán so với phiên trước đó.

Ảnh minh họa

Giá vàng thế giới tăng trở lại vào cuối tuần

Trong phiên giao dịch chiều ngày 30/1, giá vàng giao ngay không đổi ở mức 1.845,9 USD/ounce vào lúc 18h00 (giờ Việt Nam), theo kitco. Giá vàng giao tháng 4 tăng 0,64% lên 1.852,9 USD.

Giá vàng tăng trong phiên giao dịch ngày Sáu (29/1) vì giới đầu tư chờ đợi thông tin từ gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Giá vàng tăng nhẹ bất chấp CDP của Mỹ giảm 3,5% trong cả năm 2020, mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1946.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 trong năm ngoái dù nền kinh tế hàng đầu thế giới suy yếu và tác động của đại dịch trên toàn cầu.

Giới đầu tư sẽ chờ đợi thêm những tín hiệu mới về gói kích thích và các biện pháp kinh tế khác nhằm ngăn chặn tác động của đại dịch COVID-19.

Hôm 28/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết chi tiêu tài chính là cần thiết để hạn chế tác động kinh tề của đại dịch.

Theo chiến lược gia thị trường của CMC Markets, gói kích thích kinh tế của Mỹ, khả năng lạm phát tăng và những hành động tiếp theo của các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ là những yếu tố chính chi phối giá vàng.

Vàng thường được xem là hàng rào chống lại lạm phát gây ra bởi các gói kích thích lớn.

Đồng USD đã tăng 0,9% trong tháng này nhờ sự hỗ trợ từ lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và dự đoán gói chi tiêu của Tổng thống Joe Biden sẽ không lớn như đề xuất trị giá 1.900 tỷ USD, theo Reuters.

Trên thị trường kim loại, giá bạc tăng 0,1% lên 26,39 USD/ounce trong ngày 29/1, giá bạch kim cũng tăng 0,6% lên 1.077 USD. Giá palladium cũng tăng 0,3% lên 2.340,7 USD.

Ông Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường tại ThinkMarkets viết trong một ghi chú rằng yếu tố chính tác động tới tâm lý nhà đầu tư là nhận định rằng kinh tế thế giới sẽ không sớm phục hồi như mong đợi. Sự chậm trễ trong việc triển khai vaccine và xuất hiện các biến thể mới của virus đồng nghĩa là giai đoạn nền kinh tế phải tạm ngừng hoạt động để chống dịch sẽ lâu hơn dự kiến, qua đó đẩy giai đoạn phục hồi kéo dài hơn.

Nhà phân tích của ThinkMarkets cũng cho hay thị trường đã có một số lo ngại về việc định giá quá cao đối với chứng khoán Mỹ, đặc biệt khi cổ phiếu của nhiều công ty công nghệ lớn đang khá chật vật để có thể “tỏa sáng” dù hầu hết đều có kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi.

Ông Lukman Otunuga, nhà phân tích cấp cao tại sàn giao dịch trực tuyến FXTM cho hay kể từ đầu tuần, giá vàng vẫn ở quanh ngưỡng 1.850 USD/ounce do thiếu những yếu tố tác động giúp xác định hướng dịch chuyển mới. Song với những diễn biến bất thường trên Phố Wall trong tuần này, kim loại quý có thể vẫn được ưa chuộng khi các nhà đầu tư muốn dõi theo thị trường từ một vị trí an toàn.

Vàng trong nước thường biến động theo xu hướng của giá vàng thế giới. Vì vậy, giá vàng SJC có thể tăng trở lại trong phiên giao dịch sáng mai (31/1).

Thu Uyên