Mở đầu câu chuyện của niềm tin, tôi muốn kể cho bạn nghe mẩu chuyện nhỏ mà tôi trải nghiệm. Bắt đầu từ cuộc trò chuyện với trưởng phòng của một công ty tài chính bảo hiểm lớn tại Canada. Lần đó, ông nói với tôi rằng ngày nay, việc bán sản phẩm tài chính không đơn thuần là sự tối ưu hay đa dạng trong sản phẩm, mà vấn đề lớn nhất là niềm tin của khách hàng. Ông cười nói tiếp, thuở còn nhỏ, nhà ông không bao giờ lo về việc quên khóa cửa vì cửa có mở toang thì cũng không ngại mất gì; còn giờ, khi bước ra khỏi nhà, ông không quên kiểm tra lại nắm cửa và cho đến khi xuống nhà xe, đôi khi ông tự hỏi đã khoá cửa hay chưa.

Khách hàng ngày nay cảnh giác với mọi thứ. Niềm tin là thứ gì đó xa xỉ khi những sản phẩm với tiêu đề sức khỏe đặt trên quầy siêu thị có gì đó không tương đồng với những lời quảng cáo in trên sản phẩm, hay như cụm từ mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng trong suốt nhiệm kỳ: “Fake News”. Đỉnh điểm của sự thiếu tin tưởng toàn cầu ngày nay có thể được đo lường rõ nét qua thang đo giá trị, đó là thị giá đồng tiền số Bitcoin (BTC).

Công nghệ Blockchain, một ứng dụng cực kỳ tiềm năng, hay nên nói là một ứng dụng mang tính đột phá giải quyết rút gọn nhiều thao tác. Đẩy nhanh quy trình làm việc và giảm thiểu sai sót, công nghệ Blockchain không chỉ có thể ứng dụng trong lĩnh vực tài chính (xử lý đơn bảo hiểm, thanh toán L/C) mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như hành chính công (khai sinh, kết hôn, chứng tử), luật (hợp đồng đa phương, công chứng)…

Và Bitcoin được coi như đồng tiền điện tử đại diện cho công nghệ này, với giá trị vốn hoá tại thời điểm hiện nay hơn ngàn tỷ USD (với tổng số coin hơn 18.6 triệu). Với mức vốn hóa to lớn như thế, Bitcoin có thể đem lại gì cho nhân loại? Vì sao có nhiều đồng tiền số ra sau với công nghệ cao hơn, có thể ưu việt hơn Bitcoin nhưng sau hơn hàng chục năm, tổng giá trị vốn hóa của Bitcoin vẫn cao hơn tổng 9 đồng đứng sau nó, khoảng cách này không hề được thu hẹp mà ngày càng có xu hướng nới rộng ra?

Phải chăng vốn dĩ người ta không trông chờ gì vào tính ứng dụng của đồng tiền kỹ thuật số mà số đông người đầu tư vào loại tài sản này họ đã giảm niềm tin vào Chính phủ, vào đồng tiền của từng quốc gia trên thế giới, vào rủi ro lạm phát tương lai có thể đối mặt và họ tin rằng một đồng tiền không bị thao túng bởi thế lực nào sẽ là hầm trú ẩn an toàn cho họ.

Diễn biến đồng Bitcoin từ năm 2014 đến nay

Liệu Bitcoin có thực sự trở thành đồng tiền cán cân công lý, một hầm trú ẩn xứng đáng mà người nắm giữ nó mong chờ?

Chúng ta hãy quay lại với loại tài sản tiền nhiềm, đóng vai trò này trong hàng thế kỷ là vàng. Với giá vàng là 1,740 USD/oz thì tổng lượng vàng trên thế giới trị giá khoảng 9,000 tỷ USD. Gần đây nhất, Tesla công bố nắm giữ một khoản đầu tư Bitcoin trị giá 1.5 tỷ USD, tương đương 10% lượng tiền mặt của Công ty vào cuối 2020. Theo thông tin vào cuối tuần trước từ Anthony Scaramucci, nhà sáng lập quỹ SkBridge, cựu Giám đốc truyền thông Nhà Trắng, thì mức nắm giữ của Elon Musk tính luôn khoản đầu tư cá nhân và thông qua Space X là 5 tỷ USD. Như vậy, một khi BTC chính thức thay thế vàng trở thành tài sản dự trữ hàng đầu ngoài tiền thì theo logic, tổng giá trị của BTC sẽ đâu đó 10,000 tỷ USD. Dễ dàng dùng quy tắc tam suất để thấy được khoản nắm giữ của riêng Tesla sẽ được nhân lên 8.5 lần (10 * 18/21), gần 13 tỷ USD. Và nếu thông tin 5 tỷ USD bên trên là chính xác thì giá trị tương lai của khoản đầu tư trên sẽ tương đương 42 tỷ USD (bằng mức dự trữ vàng của Nhật Bản – top 8 ngân hàng trung ương có mức dự trữ vàng lớn nhất thế giới).

Mất niềm tin vào Chính phủ, tin vào một loại tài sản mới, nhưng số tài sản này phần lớn lại nằm trong tay các tổ chức, vốn đặt lợi nhuận và lợi ích của họ lên hàng đầu, Bitcoin sẽ còn gặp nhiều trở ngại trên con đường trở thành đồng tiền giao dịch bởi tính biến động nhanh và nhiều rủi ro chính trị. Hành trình tương lai của đồng tiền này luôn là dấu hỏi lớn và gây tranh cãi sâu sắc trong giới tài chính và chính trị, một bong bóng tài sản khổng lồ, nền tảng của một cuộc sụp đổ dây chuyền từ hàng loạt công ty trên thị trường đón đầu mua vào Bitcoin khi dòng tiền mặt dư thừa không có phương án tái đầu tư, một loại tài sản trú ẩn độc nhất mà cho đến nay không ngân hàng trung ương của quốc gia phát triển nào sở hữu mà đơn thuần nằm trong tay tư nhân.

Tôi không thể trả lời các vấn đề trên nhưng với tôi, giá trị Bitcoin chỉ đơn thuần là một thước đo về (đánh mất) niềm tin vào hệ thống ngân hàng trung ương, về sự chia rẽ ngày càng sâu sắc ở nội tại từng quốc gia, hay chỉ đơn thuần là ước mơ về một thế giới phẳng, không còn biên giới và mọi người đều dùng chung một loại tiền tệ - đó là Bitcoin.

Lê Minh Thông, CFA, FRM, LL.M, Cựu Giám đốc Ngoại hối Ngân hàng VietBank