Chỉ số VN-Index giảm 45,42 điểm ở phiên cuối tuần đã thổi bay thành quả trong cả 2 tuần trước, đưa chỉ số về mức 1.329,43 điểm và độ rộng nghiêng về bên bán. Việc thị trường điều chỉnh đã nằm trong dự báo, nhưng mức sụt giảm lại quá nhanh, một phần đến từ việc tăng cường biện pháp chống dịch tại TP.HCM và kéo dài thời gian giãn cách tại Hà Nội. Điều này có chỉ báo như thế nào cho tuần giao dịch tới, theo ông/bà?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm SHB

Hãy nhìn lại 3 tuần trước đó, khi VN-Index bắt đầu tăng lên từ 1.270 điểm với mức tăng khá nhẹ và chậm rãi. 2 tuần sau đà tăng bắt đầu nhanh hơn và dòng tiền chảy mạnh hơn khi những cổ phiếu ngành Cảng, Bất động sản, Thép và Chứng khoán tăng mạnh.

Đỉnh điểm là tuần giao dịch từ 11/8, dòng tiền chảy vào rất mạnh, giá trị giao dịch tăng cao nhưng điểm số lại hầu như không tăng. Chỉ số này có xu hướng đi ngang liên tiếp tại vùng 1.360-1.370 điểm và có những phiên không tích cực kiểu như kéo chỉ số cuối ngày.

Trong khi đó, nhìn nhận vào nhịp tăng này rất nhiều nhà đầu tư đều tin rằng nó chỉ là nhịp hồi phục. Vì thế khi có một phiên giảm mạnh kiểu như trên với tôi không bất ngờ. Và với cách nhìn nhận của nhịp tăng vừa qua và những vấn đề rất lớn với doanh nghiệp hiện nay tôi cho rằng nhà đầu tư nên thận trọng.

Có thể với lực mua bắt đáy mạnh như trên thị trường có sự hồi phục. Nhưng kịch bản nó không hồi mà giảm dần thì nguy cơ bán cắt lỗ, hạ margin của những nhà đầu tư bắt đáy là rất cao.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Sau 3 tuần tăng liên tiếp, thị trường giảm hơn 2% trong tuần vừa qua và về mức 50% của đoạn giảm trong tháng 7 cũng là phản ứng thông thường, thị trường giảm sâu thường sẽ có các nhịp hồi kỹ thuật, số liệu thống kê cũng cho thấy khối tự doanh đã giải ngân mạnh trong phiên giảm vừa qua trong khi các nhà đầu tư cá nhân mua bán tương đối cân bằng, đó là các tín hiệu tương đối tích cực.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Tôi cho rằng việc các thành phố lớn tiếp tục phải tăng cường giãn cách xã hội để chống dịch sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế vào những quý cuối năm và thị trường đã thể hiện sự quan ngại này trong phiên cuối tuần qua.

Bên cạnh đó, việc VN-Index phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ tại 1.360 điểm hay 1.345 điểm cũng đã thúc đẩy lực bán kỹ thuật, tạo thêm áp lực giảm cho thị trường. Do đó, trong tuần tới, nhiều khả năng thị trường sẽ diễn biến theo xu hướng giảm, trước mắt sẽ kiểm định khu vực hỗ trợ tại 1.310 điểm của VN-Index.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Tôi không cho rằng nguyên nhân chính của sự sụt giảm này tới từ các biện pháp chống dịch, bởi ai cũng biết tình trạng dịch bệnh hiện đang phức tạp thế nào.

Diễn biến bất ngờ của thị trường phiên cuối tuần mang khá nhiều dấu hiệu tiêu cực, nó dường như là hậu quả của một quá trình tăng điểm thiếu bền vững trước đó (việc kéo trụ đi kèm với hoạt động lướt sóng có phần mang tính phiêu lưu, bầy đàn...). Việc giảm bù của một số cổ phiếu vốn hóa lớn (được kéo mạnh cuối phiên đáo hạn phái sinh) chỉ là mồi lửa, do vậy theo tôi, áp lực giảm điểm của chỉ số trong tuần tới vẫn còn rất cao.

Ông Võ Thế Vinh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam

Chúng tôi đánh giá diễn biến dịch bệnh vẫn luôn căng thẳng trong thời gian vừa qua, mọi người đều có thể cảm nhận được khi theo dõi số liệu và tin tức hằng ngày. Do vậy, tình hình dịch không phải là tác nhân chính.

Vùng điểm 1.360 - 1.380 là vùng cản đáng chú ý từ trước đó còn việc tăng dần dần và giảm mạnh là vận động khá bình thường của thị trường, nhất là ở thời điểm thị trường trống thông tin sau mùa báo cáo quý 2, lực bán chốt lời có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

Mức điểm giảm dù lớn nhưng cũng chưa phải mạnh nhất trong năm đồng thời lực mua bắt đáy cũng đã tham gia nhanh chóng ngay trong phiên thứ Sáu. Nhà đầu tư cần quan sát chặt chẽ diễn biến dòng tiền trong tuần tới.

Phiên đảo chiều mạnh ngày 20/8 còn chứng kiến thanh khoản thị trường tiếp tục bùng nổ với giá trị khớp lệnh đạt hơn 36.792 tỷ đồng, cao nhất kể từ trước tới nay và có nhiều dấu hiệu cho thấy phân phối đỉnh. Thanh khoản tăng mạnh cũng cho thấy lực bắt đáy là khá lớn. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về chuyển động của dòng tiền trong ngắn hạn?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm SHB

Ông Nguyễn Hữu Bình

Thực sự ngạc nhiên với dòng tiền lớn như vậy chảy vào thị trường. Tôi có xem lại dữ liệu và thấy nó giống với phiên 19/1 khi thị trường cũng bất ngờ giảm mạnh và nhà đầu tư tranh thủ bắt đáy đẩy giá trị giao dịch tăng mạnh. Tuy nhiên phải đến ngày 29/1 thị trường mới hồi phục nhưng cho đến lúc đó giá cũng bị giảm là không hề ít.

Có thể thị trường sẽ vận động tương tự, nhưng nên nhớ rằng phía trước lúc này khác hoàn toàn với trước do Dịch Covid đang quá khốc liệt.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Với tín hiệu của 1 phiên giảm trên nền thanh khoản cao kỷ lục vẫn chưa đủ kết luận thị trường phân phối đỉnh, cần quan sát các ngưỡng hỗ trợ trong các phiên sắp tới.

Tuần vừa qua, dòng tiền vẫn hoạt động tích cực ở nhóm smallcap, nhóm này cũng nối dài chuỗi tăng sang tuần thứ 4 liên tiếp, nhưng đà tăng đang chậm dần. Trong ngắn hạn, nhiều khả năng dòng tiền sẽ quay lại nhóm bluechips hoặc một số nhóm cổ phiếu được hưởng lợi như: chứng khoán, cao su tự nhiên, hóa chất, cảng biển… hoặc nhóm được hưởng lợi từ đầu tư công…

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Thanh khoản kỷ lục của thị trường cho thấy phiên 20/8 đã có sự giằng co rất mạnh khi mà VN-Index biến động trong một biên độ rất rộng. Ưu thế sau phiên giao dịch này nghiêng về phía bên bán. Tuy vậy, tôi cho rằng bên mua sẽ tiếp tục có sự phản kháng từ vùng giá thấp và tạo nên sự giằng co trong phiên đầu tuần; nhưng nếu bên bán tiếp tục chiếm ưu thế sau đó thì dòng tiền ngắn hạn sẽ có xu hướng chốt lãi, tạm rút ra khỏi thị trường.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Xét trên phương diện kỹ thuật, thanh khoản bùng nổ đạt mức kỷ lục mới trong một phiên giảm mạnh là tín hiệu không tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, việc thị trường đã vào vùng phân phối đỉnh hay chưa thì cần quan sát thêm diễn biến trong ít nhất một vài phiên mới có thể khẳng định được.

Tôi không quá quan tâm tới yếu tố lực cầu bắt đáy có mạnh hay không trong phiên vừa qua, mà quan tâm hơn về sức mạnh lực cầu trong các nhịp hồi phục sẽ diễn ra sau đó. Bởi vậy, sự chuyển động của dòng tiền trong 1-2 tuần tới sẽ là yếu tố rất quan trọng cần phải theo dõi, hiện tôi chưa có đánh giá về yếu tố này.

Ông Võ Thế Vinh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam

Dù thị trường điều chỉnh, lực bán lớn nhưng lực mua không hề biến mất thể hiện ở việc nhiều cổ phiếu chạm sàn trong phiên nhưng nhanh chóng thoát khỏi vùng giá thấp. Dòng tiền đang giằng co là điều chúng ta dễ thấy và chưa có căn cứ xác định xu hướng ngắn hạn hiện tại. Dòng tiền bắt đáy ngắn hạn sẽ phải cân đối lại với áp lực bán chốt lời, nhưng nhìn kỹ vào cơ cấu dòng tiền hiện tại, 2 lực bán lớn này đều đang nằm ở nhóm nhà đầu tư cá nhân.

Chúng tôi thấy rằng ở thời điểm hiện tại, khả năng tiền rút ra khỏi chứng khoán là chưa cao, dù cơ hội trên thị trường không dễ để tìm như cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, việc bán ra nhiều khả năng để nhằm mục đích cơ cấu lại danh mục, và đây là kịch bản tích cực hơn cho thị trường.

Nối gót biến động của giá thép của năm ngoái, giá phân bón nửa đầu năm nay cũng chứng kiến thời kỳ chưa từng có tiền lệ trong vòng 10 năm qua khi giá các sản phẩm phân bón nói chung và ure nói riêng có sự tăng đột biến, thậm chí khó kiểm soát. Các cổ phiếu trong nhóm ngành như DCM, DPM, BFC, SFG…đã ghi nhận mức tăng từ 80% đến hơn 100% so với đầu năm. Mặc dù vậy, báo cáo của nhiều CTCK vẫn cho rằng nhóm cổ phiếu này vẫn còn nhiều triển vọng do giá phân bón chưa dừng lại. Quan điểm của ông/bà?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm SHB

Có một số dự báo tin rằng giá các loại phân bón còn duy trì mức cao và còn nhích lên nữa. Tuy nhiên, cá nhân tôi có góc nhìn với dòng cổ phiếu này là không còn hấp dẫn. Thông thường diễn biến giá này không bền vững bởi nó đang gây ra nhiều hệ lụy cho người nông dân. Nông sản không bán được do giãn cách, giá nông sản giảm sút sẽ cản trở việc người nông dân trong việc trồng trọt.

Xem xét qua Báo cáo tài chính của một số công ty như DPM, DCM cho thấy biên lợi nhuận gộp tăng không hẳn quá cao do giá nguyên liệu. Kinh doanh phân bón nhiều năm qua không hề là dễ dàng với những doanh nghiệp ngành này, có lẽ đây là năm bất thường bởi lý do duy nhất là dư cung. Riêng với phân đạm thì tại Việt Nam công suất dư thừa là rất lớn và bối cảnh người nông dân thua lỗ như hiện tại thì khó nói rằng lợi nhuận sẽ tiếp tục tăng cao.

Xét về định giá cổ phiếu thì kể cả những doanh nghiệp này tiếp tục duy trì mức lợi nhuận như hiện tại thì lúc này không còn quá hấp dẫn. Nếu nhìn nhận nó là một sự bất thường thì chúng ta sẽ khó kỳ vọng nó trong dài hạn.

Tuy nhiên, hầu hết nhà đầu tư hiện nay đều mua bán ngắn hạn thì dường như những thông tin như trên không làm họ quan tâm. Quan tâm duy nhất là các tin tức tích cực như giá phân bón có tăng tiếp hay không? Doanh nghiệp trả cổ tức hoặc một dự báo nào đó tích cực từ doanh nghiệp cũng có thể giúp giá cổ phiếu tăng.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Ông Ngô Quốc Hưng

Tôi cho rằng nhóm cổ phiếu này vẫn còn triển vọng trong dài hạn khi được hưởng lợi trực tiếp từ nguồn cung thắt chặt và kỳ vọng chính sách mới. Tuy vậy, trong ngắn hạn, giá cổ phiếu đã phản ánh các thông tin hỗ trợ, bên cạnh đó việc giá phân bón ở mức cao, thậm chí khó kiểm soát cũng là rủi ro.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Trong số các cổ phiếu phân bón mà được VCSC theo dõi thì DCM trong báo cáo gần đây vẫn được chúng tôi đánh giá vẫn còn dư địa tăng về mặt định giá, dù không quá nhiều.

Việc giá phân bón tăng như vừa qua theo chúng tôi theo tôi là yếu tố đột biến và không duy trì bền vững, do đó, nhà đầu tư cũng không nên quá kỳ vọng mối tương quan tỷ lệ thuận giữa sự tăng giá phân bón với giá của cổ phiếu các công ty sản xuất, kinh doanh phân bón.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang diễn biến phức tạp thì việc phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành là tất yếu. Bên cạnh đa số các ngành nghề gặp khó khăn thì cũng có những ngành nghề được hưởng lợi nhất định trong đó có thép và phân đạm. Nếu thị trường chung thuận lợi và không quá tiêu cực thì rõ ràng các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành này sẽ có sự tăng trưởng tốt hơn so với thị trường chung.

Thị giá các cổ phiếu ngành thép đã tăng mạnh trong suốt một năm qua (tính bằng lần), đã phản ánh gần như toàn bộ những sự kỳ vọng của nhà đầu tư, còn nhóm phân đạm dù đã tăng 80-100% nhưng nếu xét về trung và dài hạn thì vẫn là nhóm ngành đáng được quan tâm bởi đà tăng giá phân bón vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Ông Võ Thế Vinh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam

Chúng tôi đồng ý với quan điểm nhu cầu đang tăng cao và có thể sẽ duy trì, nhưng NĐT cần có chọn lọc. Ngay cả với ngành thép từ 2020 đến nay, doanh thu và lợi nhuận của một số ít doanh nghiệp đầu ngành mới có thể tăng trưởng, chưa kể trong nhóm có HPG là doanh nghiệp có chiến lược tốt và đã tạo được lợi thế cạnh tranh vững chắc.

Với nhóm phân bón, mức tăng giá của nhiều cổ phiếu trong thời gian ngắn vừa qua đã rất mạnh, trừ một số doanh nghiệp có sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh khi xuất khẩu, nếu xét đến rủi ro biến động của giá, hoạt động sản xuất nông nghiệp (sức cầu chính) chịu áp lực do đứt gãy chuỗi cung ứng vì đại dịch, vùng giá hiện tại của nhiều doanh nghiệp đã cao với việc mua nắm giữ ở thời điểm hiện tại khi định giá đã phản ánh kỳ vọng tăng trưởng cao cho 12 -18 tháng tới.

Trong một diễn biến khác, Covid-19 đang tàn phá sức chống chịu của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp các ngành chịu tác động trực tiếp như hàng không, vận tải, du lịch, khách sạn… đã đưa ra đề xuất ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, cho vay lãi suất 2-3%/năm. Điều này đã sớm được dự báo sẽ tác động đến lợi nhuận của nhóm ngân hàng trong giai đoạn nửa cuối năm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng dù đã hồi phục từ vùng đáy nhưng vẫn chưa tiến đến được mức đỉnh, nhưng vẫn luôn là nhóm nằm trong tầm ngắm của dòng tiền. Triển vọng, cơ hội cũng như rủi ro đối với nhóm cổ phiếu này vẫn là mối quan tâm rất lớn của nhà đầu tư lúc này. Đâu là lời khuyên với nhà đầu tư?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm SHB

Tôi đầu tư vào cổ phiếu Ngân hàng kéo dài gần 10 năm nay và cho thấy rằng mức lãi do nhóm cổ phiếu này thấp hơn nhiều doanh nghiệp sản xuất và không hề cao. Nhìn chung là ngành ngân hàng thường theo chu kỳ, khi bùng nổ tín dụng thì giá cổ phiếu này tăng mạnh nhưng sau đó phanh gấp là hệ lụy bắt đầu nổi lên.

Những năm qua, tín dụng vẫn tăng trưởng 13-14% bình quân, nhiều Ngân hàng thậm chí 30-40%. Khi dịch diễn ra, nó như một cú sốc không ai lường trước và cú phanh này là quá gấp, chắc chắn tạo ra nhiều món nợ xấu. Tuy nhiên với sự đồng ý từ NHNN, nhiều ngân hàng được phép giãn nợ nên chúng ta có thể chưa nhìn thấy con số nợ xấu thực này.

Quan sát trong thời gian quý III/2020 đến nay là 4 quý, cho thấy lợi nhuận từ cho vay của Ngân hàng có tỷ suất cực cao. Từ mức bình quân khoảng 35% trước dịch nay vọt lên 55-60%, thậm chí với TCB con số này còn cao hơn nữa. Đặc biệt nhiều dòng tiền không kỳ hạn tăng cao trên nhiều Ngân hàng giúp cho giá vốn của Ngân hàng hạ thấp.

Phần nữa khi lãi suất tiền gửi giảm mạnh từ giữa năm ngoái nhưng lãi suất cho vay không có nhiều thay đổi tạo ra mức lợi nhuận đột biến cho Ngân hàng và câu chuyện này đang khiến cho nhiều doanh nghiệp lên tiếng.

Ở đây có 2 vấn đề, thứ nhất một số Ngân hàng có lợi nhuận cao nhưng họ cũng dự phòng lượng lớn cho những rủi ro nợ xấu vì dịch nên chỉ số tại lúc này có thể không hấp dẫn như việc tăng trưởng lợi nhuận không cao nhưng tương lai lại vô cùng tươi sáng.

Thứ 2, nhiều Ngân hàng chịu sức ép phải hạ lãi suất mà ở đây theo con số đăng ký thì nhóm 4 ngân hàng Nhà nước chịu nhiều ảnh hưởng hơn cả nhưng tựu chung thì không quá ảnh hưởng lớn.

Nói chung ngắn hạn cho thấy nhóm cổ phiếu Ngân hàng có những sức ép lớn như vừa phải giảm lãi suất mà cho vay gặp khó do doanh nghiệp đang chịu quá nhiều ảnh hưởng. Vì thế tôi vẫn tin rằng cổ phiếu nhóm này sẽ phân hóa mạnh trong thời gian tới.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Tôi cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ đi vào phân hóa với câu chuyện riêng của từng cổ phiếu cụ thể, sẽ ít có những con sóng lan tỏa cho cả ngành như ở giai đoạn trước. Do nhóm cổ phiếu này chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn, mang tính dẫn dắt thị trường nên với những cổ phiếu có mức giảm hấp dẫn vẫn nên có trong danh mục.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Trong 6 tháng đầu năm, nhìn chung giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng rất mạnh so với mặt bằng chung của thị trường, do đó trong nhịp hồi phục của VN-Index từ giữa tháng 7 cho tới này, tính đến những yếu tố như định giá, hay những rủi ro đến từ tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế (giảm biên độ lãi ròng (NIM) để hỗ trợ doanh nghiệp, gia tăng nợ xấu...), giá cổ phiếu ngân hàng tăng chậm hơn các cổ phiếu khác cũng là hợp lý.

Ông Vũ Minh Đức

Hiện tại, thị trường đang cho thấy những dấu hiệu suy yếu ngắn hạn, do đó không chỉ nhóm ngân hàng và ở cả các phân khúc cổ phiếu khác, nhà đầu tư theo giá trị có thể kỳ vọng vào một vùng giá mua hấp dẫn hơn.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Chủ trương chung giảm lãi suất trên mặt bằng chung nhằm hỗ trợ nền kinh tế chắc chắn sẽ là yếu tố ảnh hưởng phần nào đến lợi nhuận của khối ngân hàng.

Ngoài ra, tăng trưởng lợi nhuận đột biến của nhóm này trong 4 quý vừa qua chủ yếu do được hưởng lợi ngắn hạn từ thông tư 01 và 03 về việc giãn lộ trình trích lập dự phòng, tốc độ tăng trưởng này sẽ không còn thể hiện kể từ quý tới.

Kết hợp với nhiều yếu tố khác nữa thì tôi không đánh giá cao triển vọng của nhóm này từ nay tới hết năm, do vậy nhà đầu tư nên tìm kiếm cơ hội ở nhóm ngành khác sẽ có hiệu quả hơn.

Ông Võ Thế Vinh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam

Nhìn chung, mức tăng trưởng của nửa sau 2021 đối với ngành ngân hàng đã được dự báo thấp hơn so với nửa đầu năm, do vậy nhóm này luôn chịu áp lực chốt lời lớn tại vùng đỉnh. Lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng khi nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp, chế xuất đều đang chịu tác động trực tiếp của đại dịch.

Mức định giá hiện tại dù không phải quá cao nhưng không quá hấp dẫn (bao gồm định giá trượt lẫn dự phóng cho 2021), tình hình dịch bệnh vẫn đang hết sức phức tạp và do vậy, hoạt động mua tích luỹ dài hạn với các ngân hàng vẫn có thể được thực hiện tại các vùng định giá thấp so với mặt bằng năm nay.

Các chỉ báo kỹ thuật dường như ít có tác dụng với những phiên mang tính tâm lý như phiên 20/8. Vậy nên chọn chiến lược nào, theo ông/bà?

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư, CTCP Bảo hiểm SHB

Tôi vẫn nhấn mạnh rằng tôi ít quan tâm tới chỉ số bởi tính chất thị trường giai đoạn vừa qua. Tôi quan tâm nhiều hơn tới từng doanh nghiệp và đầu tư dài hạn nên nói chung là chiến lược có nhiều khác biệt. Tuy nhiên, xét theo ngắn hạn thì như phần 1 tôi đã giải thích, tôi cho rằng thị trường có thể có sự hồi phục nhưng thật khó để tạo ra cú bứt phá lại đỉnh cũ.

Cá nhân tôi cho rằng những khó khăn hiện nay sẽ cho nhà đầu tư một bức tranh quý III vô cùng xấu và vì thế TTCK sẽ đi xuống trong giai đoạn tới. Thị trường đôi khi vì dòng tiền quá mạnh, vì người dân ở nhà nhiều nên không còn tuân theo quy luật cũ và giá cổ phiếu nào đó vẫn tăng mạnh. Vì thế hãy cứ nắm giữ cổ phiếu tiềm năng và tận dụng cơ hội Trading (nếu có thể).

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS

Nhìn chỉ số chung để đánh giá lúc này có thể bị nhiễu do thị trường có sự phân hóa, tuần vừa qua một số nhóm cổ phiếu vẫn có mức tăng tốt như: Chứng khoán, cao su tự nhiên, hóa chất… do vậy đây cũng là cơ hội để cơ cấu danh mục, nhà đầu tư có thể lựa chọn các cổ phiếu được hưởng lợi để mua và nắm giữ.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Như đã nói ở trên, phiên giảm mạnh của thị trường cuối tuần cũng chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kỹ thuật khi các hỗ trợ tại 1.360 điểm hay 1.345 điểm bị phá vỡ. Mặc dù vậy, việc giao dịch theo kỹ thuật, theo định giá cổ phiếu hay theo tâm lý nó phụ thuộc vào từng chiến lược, khả năng quản trị rủi ro cũng như lợi nhuận kỳ vọng của một nhà đầu tư.

Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS)

Với những phiên tăng giảm mạnh do tin tức, đặc biệt tác động ngắn hạn thì việc sử dụng công cụ kỹ thuật sẽ ít hiệu quả.

Ông Dương Hoàng Linh

Khi thị trường đã xuất hiện những tín hiệu rủi ro thì chiến lược cần làm ngay lúc này là phải tạm thời giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống ngưỡng an toàn, đặc biệt với những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính.

Quan sát thêm diễn biến trong tuần tới đây để có thể định hình được rõ hơn xu hướng ngắn hạn, đặc biệt cần đánh giá sức mạnh của dòng tiền trong các nhịp hồi phục.

Ông Võ Thế Vinh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam

Nhà đầu tư thường tiếp cận một cách không có hệ thống về phân tích kỹ thuật do đây là thông tin về giá phổ biến trên thị trường. Việc này có thể gây hiểu nhầm về cách dùng và tạo kỳ vọng không thực tế rằng phân tích kỹ thuật dùng để dự đoán tương lai 1 cách chính xác. Ngược lại, các công cụ phân tích kỹ thuật đều có xác suất và xác suất này càng thấp trong ngắn hạn.

Đối với thị trường cổ phiếu, phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản nên được dùng phối hợp với nhau để sàng lọc, lựa chọn cổ phiếu và lên kế hoạch giao dịch (cả mua vào cho dài hạn tại vùng giá hợp lý hoặc giao dịch ngắn hạn).

Thực sự thì biến động như phiên 20/8 dù khá mạnh nhưng cũng chỉ ảnh hưởng một số lệnh mua theo xu hướng ngắn hạn gần đây (cần phải tuân thủ cắt lỗ), hoạt động mua tích luỹ tại vùng giá thấp, giao dịch ngắn hạn mua vào tại các ngưỡng hỗ trợ của thị trường và cổ phiếu vẫn luôn có cơ hội.

Tác giả Hoàng Anh/https://tinnhanhchungkhoan.vn/